Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Đây là một văn bản có vai trò rất quan trọng nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Về mặt bảo vệ quyền con người quyền công dân thì ngay từ đầu Bộ luật này xác định: Tại Việt Nam, các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ luật này có một số điểm mới đáng chú ý sau:
1. Quyền chuyển đổi giới tính
Đây là 2 nội dung có thể nói là nổi bật nhất của Bộ luật Dân sự 2015 này. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam đã công nhận quyền chuyển đối giới tính của công dân. Cụ thể tại điều 37 của Bộ luật này đã quy định như sau:
Điều 37. Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, công dân cũng có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
2. Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền
Bộ luật Dân sự mới này đã quy định rõ: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Trong trường hợp này, tòa án sẽ áp dụng quy định tại Điều 5 (về tập quán pháp) và Điều 6 (áp dụng tương tự pháp luật) của Bộ luật này để giải quyết vụ việc.
3. Lãi suất
Theo quy định mới, lãi suất vay sẽ do các bên thỏa thuận,mức lãi suất theo thỏa thuận này không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới nêu trên.
4. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 này thì trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
Hoàn cảnh thay đổi cơ bản được hiểu là trường hợp có đủ các điều kiện sau:
- Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
- Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
- Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
- Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng thì một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Cần lưu ý rằng tòa án sẽ chỉ quyết định sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.
5. Thời hiệu khởi kiện
Theo quy định mới tại Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Tương tự thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm
Trước đây thời hạn này chỉ là 02 năm, và được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.
6. Thừa kế
Thay đổi đầu tiên về vấn đề thừa kế là Bộ luật Dân sự mới đã nâng thời hạn chia thừa kế lên ba mươi năm đối với bất động sản (đối với động sản thì thời hạn này vẫn là mười năm) kể từ thời điểm mở thừa kế.
Sau khi hết thời hiệu yêu cầu nêu trên mà không có yêu cầu và di sản không có người quản lý thì di sản sẽ thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu một cách ngay tình, liên tục, công khai, nếu việc chiếm hữu phù hợp với quy định. Nếu không có người chiếm hữu ngay tình thì di sản thuộc về Nhà nước.
Bên cạnh đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
7. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Quy định của Bộ luật Dân sự mới này đã bỏ yếu tố lỗi trong việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó “người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm uy tín, tài sản của pháp nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Nói cách khác, căn cứ theo quy định mới này thì người bị thiệt hại sẽ không còn phải chứng minh lỗi của người gây ra thiệt hại.
Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Bộ luật mới cũng quy định: khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Tương tự bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
8. Một số quy định chuyển tiếp về giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực
- Giao dịch dân sự chưa thực hiện mà có nội dung và hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo nội dung và hình thức trong giao dịch đã xác lập hoặc lựa chọn áp dụng theo quy định của Bộ luật này;
- Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự năm 2005;
- Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng các quy định của Bộ luật này;
- Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết;
- Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.
Cần lưu ý là không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.
Bộ luật Dân sự 2015 này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017.